
Trần Quê Hương làm thơ như đang thở, đang nói với chính mình. Mặc dù, những áng thơ trong thi phẩm đa phần mang sắc màu tôn giáo và dáng dấp triết lý cao siêu. Nhưng, đây không phải là triết lý tháp ngà, rời xa thực tế, mà là triết lý hoá nhập, thiết thân với con người và chúng sinh vạn loại.
Đến cõi nhân gian này để vun đắp, hy hiến, ban trao và nhà thơ Trần Quê Hương là một trong vô lượng con người như thế. Ông đã kết giữ trái tim nguyên trinh trong cõi tâm hồng thành Tặng Phẩm Dâng Đời.
Những áng thơ trong Thi Tập, là tiếng nói chân thành, là lời cầu nguyện tha thiết của một tâm hồn, một trái tim rung động. Chất liệu và hồn thơ đã chấp cánh bay vào thế giới tâm linh. Nơi đó, có bầu trời xanh huyền nhiệm, có ánh nắng trí tuệ lung linh, có những cụm mây muôn màu, có những hạt mưa lành lạnh, có những làn gió mát đong đưa. Phải chăng, tất cả chỉ là một phần trong muôn phần pháp giới, là tiếng thinh không khẻ gọi trong tâm thức mênh mông.
Nhà thơ không mô tả những chuyến du hành của người ngao du sơn thuỷ, mà cho độc giả thấy được bước khởi đầu vô thuỷ của kiếp luân hồi và còn tiếp tục cất bước ra đi:
Tôi đi từ vô thuỷ
Gọi mặt trời đi theo
Bạn đường vui thiên lý
Trên vai túi vải nghèo
(Tặng Phẩm Dâng Đời, trg 145)
Tác giả đã không gọi mời người đời dõi bước chân theo, không lôi kéo tha nhân sánh bước đi cùng. Lạ hơn người khác, Trần Quê Hương chỉ gọi mời mặt trời, nhưng là tiếng gọi niềm tin, là mặt trời hồng tỉnh thức. Rồi hành trang của người cô lữ, của kẻ độc hành là túi vải nghèo, là lòng nhẫn nại, thong dong tự tại trên khắp nẽo đường thiên lý. Vừa đi vừa soi dẫn lòng mình, vừa gọi mời tha nhân bằng nếp sống hiền sĩ sẳn có trong tâm thức Việt nam:
Tôi đi từ vô thuỷ
Đến kiếp này dừng chân
Việt Nam duyên hiền sĩ
Tôi tỉnh giấc mộng trần
(Tặng Phẩm Dâng Đời, trg 154)
Người thơ đã tạm dừng chân nơi đất Mẹ Việt nam, mảnh đất Tiên-Rồng đã sản sinh Phật Việt, đã dung hoá đạo đức ngàn đời của quốc Tổ Hùng Vương. Non sông thiêng liêng này, đã là thánh địa mầu linh, để muôn ngàn đoá hoa đạo đức, vô lượng trí tuệ tuyệt vời hé nụ khai mầm.
Ngọn lửa của lòng tôn kính được thắp sáng. Khắp mọi miền sông Cữu, người thơ đêm ngày cất bước, mặc cho gai bụi cuộc đời có làm rách nát xác thân, Trần Quê Hương vẫn luôn tỉnh giấc mộng trần, cúi đầu mặc niệm, hát khúc Phương Tâm Ca:Ta cúi đầu mặc niệm
Những giọt máu hồng tươi
Những trái tim đại ngã
Đã điểm tô sinh hoá
Cho hàng vạn nụ cười
Trái Tim-nguồn hơi thở
Phương Tâm Ca tuyệt vời.
(Phương Tâm Ca, trang 187)
Chính ánh mắt bi từ, bàn tay nhân ái, trái tim đại ngã đã điểm tô sinh hoá, đã nở muôn vạn nụ cười và đã biến thành Phương Tâm Ca tuyệt vời! Thế mới biết, cuộc sống này, vũ trụ này không chỉ có đỏ đen tang tóc, thù hận đau thương, mà còn có dịu dàng tinh khiết. Trước giọt sương mai mong manh trên ngọn cỏ, còn có cả cuộc hồi sinh tối thượng. Chính trái tim nhỏ bé chứa đầy sự sống nhiệm mầu, đang lấp lánh chiếu soi như ánh lưu ly tuyệt thế:
Ngàn trăng sao kết bạn
Suối bạc dòng nghiệm suy
Cỏ, hoa, chim, sóc, nhạn
Nụ cười hiền lưu ly
(Tặng Phẩm Dâng Đời, trang 156)
Nhà thơ xẻ chia thế giới Hoa Tạng hay Cực Lạc Di Đà ngay trong đời sống này. Do vậy, dù nhiều kiếp có lang thang làm khách phong trần, nhưng, thế giới thường chân vẫn lung linh chiếu diệu. Cỏ cây đất đá, trời mây non nước, trăng thanh gió mát, suối bạc hoa tươi, đều là pháp thân mầu nhiệm của thể tính bất sinh. Dường như người thơ muốn gọi mời mọi người trở về sống với thế giới thanh tịnh này. Khi nào những hố sâu của đời sống được gạt bỏ, những hẹp hòi của thế nhân được dứt trừ, những ồn ào của danh lợi được lắng tịnh, thì con người sẽ có cơ may nở nụ cười hiền và bừng sáng ánh minh nhiên. Thậm chí, trong vách đất am tranh, nơi sóng biển rì rào vẫn sống với tịnh thanh chân tánh:
Thanh Tịnh Am kết tình
Ngày đêm vui tâm linh
Sáng làm thơ, dạo biển
Chiều tụng phẩm chơn kinh
(Cuối Chân Trời 2, trang 197)
Ai nói nhà sư không có cảm tình? Nhà sư thực sự đã kết tình với tâm linh, với duyên sinh vô ngã. Ngồi trong vách đất am tranh, hay đi đến phương trời vô trụ, tâm vẫn an vui hát khúc ca vô ngã đại đồng. Chướng ngại nặng nề không còn, não phiền nhiều kiếp bặt dứt, ngày đêm sống với tâm linh, sáng làm thơ dạo biển, chiều tụng kinh trì chú. Mọi huyễn hoặc trần lao dứt sạch, tuệ trí Bát nhã hồi sinh. Ô kìa, nơi cuối chân trời, hay đến ngày Rằm tháng Tư, bổng thấy đức Phật hằng hữu trở về trên đỉnh Chân như:
Sáng nay lên chùa dự lễ
Mừng ngày Phật đản tháng Tư
Ngày rằm thiêng liêng lịch sử
Phật về trên đỉnh chân như
(Phật Về Trên Đỉnh Chân Như, trang 206)
Ngày Rằm Tháng Tư lên chùa dự lễ, bao nhiêu hương hoa diễm lệ phụng hiến Ta bà. Trong khoảng sát na, bổng thấy Đức Phật trên đỉnh Chân như. Chân như là sự sống và sự sống chính là chân như.
Hơn thế nữa, niềm mơ ước của người con Phật hay của chính tác giả là nhìn thấy mọi người và tất cả chúng sinh trở về sống với bản thể chân như, nhất là trong xã hội ồn ào này. Trong thế giới băng giá tình người, bản thể Chân như chính là lòng nhân ái chỉ biết ban trao mà không cần đền trả.
Cuối chân trời ánh sáng sẽ chói ngời dương thế. Mọi ách tắc khổ đau được khai thông, phương hồng cỏ lung linh dưới ánh nguyệt cầm, để ngàn năm dâng tặng:
Tôi dừng chân cuối trời
Dưới lòng nguyệt thu rơi
Dâng đời bài thơ nhỏ
Dâng cả trái tim tôi
Và cả phương hồng cỏ
Lung linh hố thẩm trời
(Tặng Phẩm Dâng Đời, trg 164)
Tóm lại, toàn bộ thi tập là lời mời gọi, là tiếng hát giữa cuộc lữ mênh mông. Đọc Tặng Phẩm Dâng Đời để trợ duyên cho nhịp đập yêu thương, giúp con người thấy rõ ý nghĩa thiết thân của cuộc sống. Hơn nữa, nó còn ban phát đôi cánh nhẹ nhàng, để con người có thể bay qua những thử thách trần gian!
Trần Quê Hương làm thơ như đang thở, đang nói với chính mình. Mặc dù, những áng thơ trong thi phẩm đa phần mang sắc màu tôn giáo và dáng dấp triết lý cao siêu. Nhưng, đây không phải là triết lý tháp ngà, rời xa thực tế, mà là triết lý hoá nhập, thiết thân với con người và chúng sinh vạn loại.
Ngôn từ sử dụng tự nhiên, tha thiết dịu dàng, đủ đầy thinh âm hình tượng. Tuy làm thơ nhưng giống như tâm sự. Chính những chất liệu tuyệt vời này, một mặt, có công năng giữ chặt độc giả, mặt khác, có thể giúp người đọc mở rộng cõi lòng, mở cửa trái tim trong kiếp sống nhiệm mầu này.
Ô hay, nỗi niềm trân kính trào dâng, trái tim rung cảm đã hoá thân cùng tác giả! Khi thưởng lãm Thi Tập này, đã một lần hay nhiều lần, tôi có cơ may nhìn lại trái tim mình!!!
Chùa Phật Đà, Úc Châu, Rằm Trung Thu năm Tân Mão-nhằm 12-09-2011
T.K Thích Thiện Hữu